|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Đào Mỹ là vùng đất cổ thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm huyện lỵ 13km về phía Tây và cách trung tâm thành phố Bắc Giang trên 20km. Xã có vị trí địa lý: phía Đông giáp xã An Hà (huyện Lạng Giang); phía Tây giáp thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế); phía Nam giáp xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang), phía Bắc giáp xã Nghĩa Hưng (huyện Lạng Giang). Toàn xã có 12 thôn (trong đó 01 thôn loại I, 11 thôn loại II) với diện tích đất tự nhiên là 845,94ha, dân số có 8.820 người. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 654,71ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 188,6ha và diện tích đất chưa sử dụng là 2,62ha. Xã được UBND huyện công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 10 năm 2018.

Thiên nhiên ưu đãi cho Đào Mỹ nhiều thuận lợi nên người dân quần tụ về đây từ rất lâu đời. Họ tiến hành khai hoang, lập ấp, cùng chung sức đồng lòng, từ thế hệ này sang thế hệ khác chống chọi với thiên nhiên, san gò, lấp trũng, mở rộng ruộng vườn. Trải qua quá trình lao động, đấu tranh, Nhân dân đã xây đắp nên một vùng quê Đào Mỹ trù phú, tươi đẹp như ngày hôm nay.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong quá trình biến đổi của tự nhiên và xã hội, địa giới hành chính và tên gọi của Đào Mỹ có nhiều sự thay đổi. Thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất Đào Mỹ ngày nay thuộc bộ Vũ Ninh của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Lý, Đào Mỹ thuộc lộ Bắc Giang. Đến thời nhà Trần, Đào Mỹ thuộc huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Đầu thế kỷ XV, trấn Kinh Bắc được chia làm 4 phủ và 21 huyện, vùng đất Đào Mỹ ngày nay là trung tâm của tổng Đào Quán gồm các xã Cổ Trang, Đào Quán, Hoàng Hà, Khoát Giã, Mỹ Lộc, Mỹ Phúc, Nghĩa Trang, Sơn Lục thuộc huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Năm 1831, thời Nhà Nguyễn, tỉnh Bắc Ninh được thành lập, xã Đào Mỹ thuộc huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, các làng xã của Đào Mỹ thuộc tổng Đào Quán, huyện Bảo Lộc, tỉnh Bắc Giang.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính tổng bị bãi bỏ. Theo đó, tổng Đào Quán bị xóa bỏ, thành lập liên xã Đào Quán gồm từ thôn Khoát Giã đến thôn Hoàng Hà. Địa bàn Đào Mỹ thuộc liên xã Đào Quán, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Lúc này, liên xã Đào Quán gồm 10 thôn:

- Thôn Khoát Giã còn có tên gọi là làng Dâu, làng Khoát.

- Thôn Nghĩa Trang còn có tên gọi là làng Nùa.

- Thôn Cổ Trang còn có tên gọi là làng Bo Giầu.

- Thôn Tráng Quán còn có tên gọi là làng Gai Quán.

- Thôn Phù Lão còn có tên gọi là làng Phù Lão.

- Thôn Trường Hà còn có tên gọi là làng Trừng Hà.

- Thôn Tiên Lục còn có tên gọi là làng Sơn Lục.

- Thôn Mỹ Phúc còn có tên gọi là làng Mỹ Phúc.

- Thôn Mỹ Lộc còn có tên gọi là làng Chải.

- Thôn Hoàng Hà còn có tên gọi là Bến Tuần.

Ngày 16/8/1949, thực hiện Nghị định số 177-NV/3 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, thôn Bến Tuần thuộc xã Đào Quán (huyện Lạng Giang) được sáp nhập vào xã Việt Hương (huyện Yên Thế). Đến tháng 10/1953, liên xã Đào Quán được chia làm 04 xã:

- Xã Đào Mỹ (Đào Quán, Mỹ Phúc);

- Xã Nghĩa Hưng (Cổ Trang, Nghĩa Trang, Khoát Giã):

- Xã Tiên Lục (Sơn Lục);

- Xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc, Hoàng Hà).

Xã Đào Mỹ lúc đó gồm 04 làng với 22 xóm:

- Làng Tráng Quán có 4 xóm: Gai, Bún, Nùa, Quán;

- Làng Phù Lão có 06 xóm: Tây, Lò, Đông, Thắm, Núi, Dứa;

- Làng Mỹ Phúc có 06 xóm: Láng, Ka Ky (Tân Trung), Phúc Đình, Mỹ Cầu, Tân Đảng, Phúc Lộc;

- Làng Trường Hà có 06 xóm: Ruồng, Cái, Tân Quang, Đồng Mới, Rừng Sim, Bến Cát.

Khi thành lập Hợp tác xã toàn xã Đào Mỹ (tháng 11/1976), 22 xóm được chia thành 16 đội sản xuất gồm: Tân Mỹ (Tân Đảng, Mỹ Cầu), Phúc Thành (Phúc Đình, Phúc Lộc), Tân Hoa (Tân Trung, xóm Láng), Gai Bún (Bún, Gai, Nùa), xóm Quán, xóm Tây, xóm Lò, xóm Núi, xóm Dứa, xóm Ruồng, xóm Cái, xóm Rừng Bến, xóm Đồng Mới, xóm Bến Cát, xóm Đông, xóm Thắm. Năm 1981, thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương về “cải tiến công tác khoản, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”, ruộng đất giao tới hộ gia đình xã viên, hợp tác xã được củng cố lại thành 21 đội sản xuất: Tân Hoa, Tân Trung, Phúc Đình, Tân Thành (Phúc Lộc), Mỹ Cầu, Tân Đảng, Núi, Dứa, Đông, Thắm, Tây, Lò, Quán, Nùa, Gai, Bún, Bến Cát, Rừng Bến, Đồng Quang, Ruồng, Cái. Đến năm 1989, các đội trưởng sản xuất làm nhiệm vụ trưởng thôn. Năm 1990, thành lập 4 thôn theo 04 làng cổ, đó là: Gai Quán, Phù Lão, Mỹ Phúc và Trường Hà. Năm 1994, 4 thôn lớn được chia thành 11 thôn:

- Làng Tráng Quán có 02 thôn:

+ Thôn Gai Bún;

+ Thôn Nùa Quán.

- Làng Phù Lão có 03 thôn:

+ Thôn Tây Lò;

+ Thôn Đông Thắm;

+ Thôn Núi Dứa.

- Làng Mỹ Phúc, có 03 thôn:

+ Thôn Tân Hoa:

+ Thôn Tân Phúc;

+ Thôn Mỹ Phúc.

- Làng Trường Hà, có 03 thôn:

+ Thôn Ruồng Cái;

+ Thôn Đồng Quang;

+ Thôn Bến Cát.

Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II ban hành Nghị quyết việc hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, xã Đào Mỹ thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc. Ngày 06/11/1996, Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết phê chuẩn việc tách tỉnh Hà Bắc, tái lập 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Từ ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động. Năm 2000, lập thêm thôn thứ 12 - thôn Tân Trung (trên cơ sở tách thôn Tân Hoa thành 2 thôn: Tân Hoa và Tân Trung). Lúc này, xã Đào Mỹ có 4 làng với 12 thôn thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Về dân số, trước Cách mạng tháng Tám, dân số Đào Quán có 3.800 người. Tháng 8/1978, toàn xã có 1.058 hộ, 1 tháng 4/1999, số dân ở các thôn trong xã Đào Mỹ là 7.200 người. Đến năm 2023, toàn xã có 8.820 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 03 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Kinh, Tày, Nùng.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,538
Tổng số trong ngày: 80
Tổng số trong tuần: 211
Tổng số trong tháng: 407
Tổng số trong năm: 2,579
Tổng số truy cập: 13,123