|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Xã Đào Mỹ có 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 04 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh:

- Đình Phù Lão là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, quy mô đình xây trên khu đất cao, trước mặt là hồ, ao, sân rộng - Nhà tiền tế. Đại đình gắn với hậu cung, sân phía sau là chùa nhỏ. Bia cổ tại đình do tiến sĩ khoa Canh Tuất, họ Hoàng hiệu Đôn Phù soạn năm Lê Chính Hòa thứ 15 (1695). Đình thờ Cao Sơn - Quý Minh và thờ 2 vợ chồng ông Đào Đức Độ, bà Ngụy Quý Thư. Lễ hội ở đình Phù Lão được tổ chức vào ngày 15/3 Âm lịch hằng năm. Hiện nay, cứ 5 năm, đình tổ chức hội chính một lần. Đình làng Phù Lão được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 147-VH/QĐ ngày 24/12/1982.

- Đình Trừng Hà xây dựng năm 1698, có 3 sắc phong, có bảng phong đặt tiền cung phi bằng chữ như “Thuần phong mỹ tục” thời Bảo Đại phong (1940 - 1942). Đình được trang trí rồng, phượng, hoa, lá, cành... Đình thờ hai vị Cao Sơn - Quý Minh Đại vương. Lễ hội ở đình Trừng Hà được tổ chức một năm 3 lần vào các ngày 15/01 (Âm lịch), đón lễ các cao niên khao lão, từ Điếm Cái - nơi cai lễ của làng đóng cho ông Cai Đám, sau đó rước lễ ra đình; ngày 08/02 (Âm lịch) là hội của hàng xã gồm 3 đình: Tráng Quán, Phù Lão, Trừng Hà tổ chức rước kiệu; ngày 10/3 (Âm lịch) làm lễ xuống đồng. Năm 1940 và 1942, xã Đào Quán (Tráng Quán, Phù Lão, Trừng Hà) tổ chức lễ hội toàn xã để đón nhận 4 chữ vàng “Thuần phong mỹ tục” do vua Bảo Đại phong. Hằng năm, vào các ngày 15/01; 08/02; 10/3 (Âm lịch), dân làng tổ chức lễ hội, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 1342/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích Đình Trừng Hà xã Đào Mỹ thuộc di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

- Đình Tráng Quán là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân thôn Tráng Quán xưa và của hai thôn Nùa Quán và Gai Bún ngày nay. Đình được xây dựng từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với tổng diện tích toàn khuôn viên 1.079m2. Tòa tiền tế của ngôi đình gồm 5 gian nối với 2 gian hậu cung tạo ra bình độ theo kiểu kiến trúc hình chữ Đinh. Đình thờ Thành hoàng Cao Sơn - Quý Minh Đại vương. Giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, đậm đà bản sắc dân tộc, đình đã được vua Bảo Đại phong tặng bức hoành phi 4 chữ “Thuần phong mỹ tục”. Lễ hội đình Tráng Quán được tổ chức vào ngày 15/01 (Âm lịch) hằng năm. Đình Tráng Quán không chỉ là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế và khá độc đáo mà nó còn là nơi ghi dấu những mốc son lịch sử của làng Tráng Quán từ xưa đến nay. Vì vậy, nó có ý nghĩa cả về giáo dục truyền thống và nghiên cứu khoa học, kiến trúc - nghệ thuật và về lịch sử - văn hóa của một vùng đất thời xa xưa. Với tầm quan trọng đó, ngày 17/9/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 1587/QĐ-UBND công nhận đình Tráng Quán là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Tỉnh.

- Chùa Ba Nước (Phúc Quang tự) được xây dựng Thượng, Tân, Sửu, Trí, Kỷ, Tỵ năm Kỷ Tỵ; do 3 ông ở Yên Dũng (Bắc Giang), Nhật Bản, Ấn Độ xây dựng. Chuyện kể ba ông dắt nhau về Mả Chúc bãi cả Tiên Lục, kéo về Rừng Gù ngắm về cột cờ nhà Mạc. Ban đầu tạo “Am” (miếu) đề Phúc Quang tự (tức Chùa) do dân 2 làng tôn tạo Am thành chùa từ năm Tân Sửu đến năm Kỷ Tỵ mới xong (mất 29 năm). Chùa Ba Nước là nơi thờ Phật và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng của Nhân dân 2 làng Trường Hà và Mỹ Phúc cho nên hội lệ có hội chung vào 19 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm. Sau phần tế lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian. Với những đóng góp trong sinh hoạt tâm linh trong đời sống tinh thần của Nhân dân, năm 2010, chùa Phúc Quang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh.

- Chùa Phù Lão (chùa Làng Gai) được xây dựng vào cuối thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XIII), trải qua nhiều lần tôn tạo, hiện nay ngôi chùa vẫn an tọa trên gò đất cao (ở sau văn phòng trường Tiểu học Đào Mỹ). Đến nay, chùa vẫn có lưu giữ đầy đủ hệ thống tượng phật, mâm bồng, bát hương... Chùa Phù Lão có bố cục mặt bằng tổng thể kiến trúc theo chữ Công, bộ khung được kết cấu bằng gỗ lim chắc chắn, với các nét điêu khắc vân mây cách điệu. Chùa thờ Phật tổ. Lễ hội hằng năm của chùa được tổ chức cùng với ngày hội của đình Phù Lão. Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Pháp và những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần, năm 2012, chùa Phù Lão được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh.

 - Đình Hồ và Đình Đảng: Làng Mỹ Phúc xưa có 2 đình là đình Hồ và đình Đảng Cả hai ngôi đình đều được sắc phong thời Khải Định năm thứ 9 (1924) và căn cứ trên văn bia, kết hợp với truyền thuyết về vị thần, đình Hồ được xây dựng vào năm Quý Hợi (1812 - Gia Long Thập Nhị Niên). Sắc phong cho xã Mỹ Phúc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, phục sự trước kia, tặng tập phúc diễn hỷ, công chính thống chính, dực bảo trung Đương Cảnh thành hoàng, giữ chức Trung thiên quan, tặng phong: Ứng quốc chính thống uy linh, vạn cổ đại vương. Có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân, niệm cầu ứng nghiệm, ban sắc chuẩn cho phụng thờ.

+ Đình Hồ ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào năm 1950 - 1953 bị Pháp ném bom hư hại một góc đao, gác phía Tây và đã tạm được sửa chữa. Năm 1984 - 1985, do quá đổ nát không có khả năng tu bổ, Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân xin phép Ủy ban Nhân dân cho giải hạ. Hội đồng Nhân dân xã đã họp ra Nghị quyết hạ giải để lấy vật liệu xây dựng trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, hiện chỉ còn giữ lại 1 gian hậu cung để Nhân dân thờ cúng.

+ Đình Đảng là một ngôi đình có kiến trúc đẹp tại xã. Theo văn bia đền “Gia Long thập thất niên, tuế thứ Mậu Dần, thập nhị nguyệt, nhị thập lục nhật, lập bảo từ” thì đình Đảng được xây ngày 26/12 năm Mậu Dần, Gia Long năm thứ 17 (năm 1818). Sau làng có xứ ruộng tên là xứ Ruồng dùng vào việc lấy hoa lợi thờ cúng. Đình Đảng thờ Cao Sơn - Quý Minh, hội lệ trước đây xuân thu nhị kỳ: mồng 9, 10 tháng Giêng, 22 - 23/8 (Âm lịch) tổ chức việc làng.

Bên cạnh đó, xã Đào Mỹ có các điếm: Gai, Quán, Đông, Cái, Núi, điểm xóm ngoài (cạnh đình Hồ), Cầu (xóm trong), điểm xóm Lò, điếm xóm Tây, điếm xóm Ruồng. Các điểm trên từ sớm đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân, là nơi canh gác bảo vệ xóm làng khỏi giặc ngoại xâm, trộm cắp, canh phòng hỏa hoạn, lụt... Trong các ngày lễ, tiết, Nhân dân trong xóm đều ra điếm thắp hương cầu bản thế mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, trong các làng có các nghè: nghè Núi, nghè Ruồng, nghè Thổ Kỳ, nghè Nuôi (từ chùa Ba Nước đi xóm Thắm), nghè cây Sưa, nghè Từ Vũ (khu vực giếng Táng), nghè xóm Quán, nghè xóm Cái... đã phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,925
Tổng số trong ngày: 74
Tổng số trong tuần: 205
Tổng số trong tháng: 401
Tổng số trong năm: 2,573
Tổng số truy cập: 13,117