|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Là xã thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, xã Đào Mỹ có sự đa dạng về đất đai. Trong đó, đất phù sa có khoảng 35ha, đất đồi sỏi có khoảng 68ha, đất pha cát và đất thịt có khoảng 450ha. Địa hình xã được chia thành 3 khu vực rõ rệt: phía Nam và Đông Nam là vùng đất tập trung hơn 20 ngọn đồi, chủ yếu là nơi trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả và là khu vực sinh sống của dân cư 3 thôn: Tân Hoa, Tân Trung, Tân Phúc với diện tích khoảng trên 150ha, diện tích ruộng đất xen kẽ không bằng phẳng. Phía đất ven sông Thương từ thôn Gai Bún xuống thôn Bến Cát rất thích hợp cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp phát triển mô hình lúa cá tạo nên một vùng phát triển kinh tế toàn diện. Bên cạnh đó, vùng đất từ Nam Nùa Quán xuống Tây Lò, Đông Thắm, Núi Dứa và Ruồng Cái là vùng đất canh tác phì nhiêu, địa hình bằng phẳng, có nhiều cánh đồng với diện tích lớn thuận lợi cho canh tác 2 - 3 vụ trong năm.

Về tài nguyên nước, Đào Mỹ có sông Thương nằm ở phía Tây, giáp huyện Yên Thế. Trong xã có 2 con ngòi: ngòi Cầu Đá chảy về Rừng Dù, Hàm Rồng; ngòi từ cầu Bà Già, Hàm Rồng, Sốc Sóng chảy xuống Tiên Lục; ngoài ra còn có hệ thống ao, hồ, kênh mương nội đồng nằm rải rác trong xã, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của Nhân dân. Mặt khác, xã Đào Mỹ có 11 hồ: Đình Hồ, hồ Rặng Dã, hồ Cội Mốc, hồ Bến Cát, hồ Ao Tòa, hồ chùa làng Gai, hồ Trường Hà, hồ Tân Trung, hồ Tân Đảng, hồ Rừng Bến, hồ Phù Lão. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của xã rất phong phú, chất lượng nước tốt, chiều sâu của tầng chứa nước ngầm trung bình khoảng 30 - 50m, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.

Về nguồn tài nguyên lâm sản, những năm 1980 trở về trước, xã Đào Mỹ có gần 100ha đất rừng với nhiều loại cây lấy gỗ. Hiện nay, đất rừng chuyển sang làm đất ở, trồng các cây ăn quả nên diện tích rừng chỉ còn 14,54ha và sô diện tích này chính quyền xã giao cho hộ gia đình canh tác, quản lý. Cảnh quan của Đào Mỹ có cây cối xanh tươi, sông Thương uốn lượn, “đất lành chim đậu”, Đào Mỹ có vườn cò nổi tiếng, có trái cam ngon “vang bóng một thời”.

Về đặc điểm khí hậu, Đào Mỹ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một năm phân thành bốn mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Nhiệt độ trung bình đạt từ 23,3°C - 23,5°C, tháng cao nhất từ 36°C - 38°C (tháng 7, 8); nhiệt độ thấp nhất khoảng 9°C (tháng 1, 2). Lượng mưa trung bình hằng năm là 1.476mm, lượng mưa trung bình tháng cao nhất là 320mm, tập trung vào tháng 6, 7, 8 gây ngập úng cho các vùng đất chiêm trũng. Độ ẩm không khí bình quân trong năm là 82%, độ ẩm cao nhất là 92% và thấp nhất là 62%.

Hệ thống giao thông trên địa bàn xã có nhiều thuận lợi. Xã có 2 tuyến đường huyện. Tuyến đường từ Tiên Lục - Đào Mỹ - Nghĩa Hưng trong kháng chiến chống Pháp có tên là đường 35 (trước đây là đường thuộc Tỉnh lộ). Năm 2000, đường 35 hay còn gọi là đường liên xã Đào Mỹ được rải nhựa khang trang với chiều dài 3,3km. Từ xã An Hà đi sang trung tâm xã có con đường dài 2,8km đã được cứng hóa. Tháng 3/2019, huyện Lạng Giang mở thêm tuyến đường Nghĩa Hưng đi Dương Đức dài 11km, trong đó đoạn đường chạy qua địa bàn xã dài 3,1km. Đây là các tuyến đường giao thông quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã. Bên cạnh đó, hệ thống đường liên xã, liên thôn, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng cơ bản đã được rải nhựa, bê tông hóa. Tính đến năm 2019, tổng chiều dài mạng lưới giao thông toàn xã là 72,36km. Trong đó, Huyện lộ chạy qua xã là 9,2km; đường trục xã, liên xã là 7,91km; đường liên thôn, trục thôn dài 14,99km; đường ngõ xóm là 13,39km và 20,36km đường trục chính nội đồng.

Nhìn chung, đặc điểm tự nhiên của Đào Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để canh tác nông nghiệp, nuôi trông thủy sản, khai thác lâm nghiệp. Mặt khác, vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận tiện góp phần thúc đẩy cho Nhân dân địa phương giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hóa với các vùng xung quanh.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,039
Tổng số trong ngày: 46
Tổng số trong tuần: 177
Tổng số trong tháng: 373
Tổng số trong năm: 2,545
Tổng số truy cập: 13,089